Monday, December 30, 2013


Quá trình thành lập và những mốc son của Đảng bộ huyện Hữu Lũng

Từ thế kỷ XIII, dưới thời nhà Trần, Hữu Lũng có tên gọi là Cổ Lũng. Đến thế kỷ XIV, khi nhà Minh xâm lược nước ta, Cổ Lũng nằm trong phủ Lạng Giang. Từ năm 1957, Hữu Lũng thuộc tỉnh Lạng Sơn. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, quân và dân các dân tộc huyện Hữu Lũng luôn nêu cao tinh thần yêu nước, truyền thống kiên cường, bất khuất đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Sau Cách mạng Tháng Tám, phong trào cách mạng ở Hữu Lũng phát triển mạnh mẽ từ huyện, xã đến khắp các bản làng, thôn xóm. Trưa ngày 20-9-1945, cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức trọng thể tại chợ Phổng, xã Vân Nham tuyên bố Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Hữu Lũng chính thức được thành lập và ra mắt đồng bào. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu thắng lợi của tiến trình Cách mạng Tháng Tám ở Hữu Lũng. Trước đòi hỏi của phong trào cách mạng Hữu Lũng cần có một tổ chức Đảng lãnh đạo, ngày 3-11-1946, chi bộ Đảng Cộng sản Hữu Lũng được thành lập. Sau đó, chi bộ Đảng ở các xã Vân Nham, Tuấn Sơn, Nhật Minh, Chi Tiên, Kiên Lao, Cấm Sơn lần lượt ra đời trong năm 1947.

Từ tháng 12-1946 đến năm 1954, Hữu Lũng bước vào 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Hưởng ứng Lời kêu gọi thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, quân và dân các dân tộc trong huyện đã hăng hái tham gia kháng chiến. Chính từ đây, vai trò của các tổ chức Đảng ngày càng được khẳng định. Đến tháng 11-1947, Đảng bộ huyện Hữu Lũng được thành lập. Sự ra đời của Đảng bộ huyện đã tạo thêm sức mạnh để quân và dân các dân tộc Hữu Lũng giành nhiều thắng lợi to lớn trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đóng góp sức người, sức của vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình ở miền Bắc.

Đảng bộ, quân và dân Hữu Lũng lại tiếp tục cùng với quân, dân cả nước kiên cường tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Tháng 4-1963, nhân dân các dân tộc Hữu Lũng, trọng điểm là các xã Hòa Sơn, Tân Thành và Hòa Thắng, cùng với lực lượng công an vũ trang Lạng Sơn trong thời gian ngắn đã tóm gọn toán gián điệp biệt kích Mỹ - Diệm. Ngày 5-10-1965, lực lượng dân quân xã Tân Thành làm nên lịch sử khi bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ. Tháng 8 - 1966, các đơn vị dân quân xã Minh Sơn, Sơn Hà, tự vệ lâm trường phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu dũng bắn rơi 3 máy bay phản lực Mỹ. Có thể nói, trong các năm 1965 - 1967, Hữu Lũng là địa bàn giặc Mỹ tập trung bắn phá ác liệt nhất với hàng ngàn tấn bom đạn các loại dội xuống, gây thiệt hại về nhà cửa và phá hỏng nhiều công trình giao thông quan trọng. Mặc dù vậy, Đảng bộ huyện vẫn tập trung chỉ đạo các cấp ủy xã, thị trấn củng cố lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống, đồng thời tăng cường bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, duy trì phát triển ổn định sản xuất và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình như phong trào "Thanh niên ba sẵn sàng", "Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ" được hàng nghìn thanh niên hưởng ứng tham gia. Phong trào "Phụ nữ ba đảm đang" cũng được phát huy, với khẩu hiệu "Tất cả cho chiến trường đánh thắng", phụ nữ Hữu Lũng đã hăng hái tham gia, thực hiện "tay cày, tay súng", bảo đảm xây dựng hậu phương vững mạnh.

Trong thời gian này, các hợp tác xã nông nghiệp của huyện không ngừng được củng cố, ổn định sản xuất. Đặc biệt, phong trào trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc đã trở thành phong trào điển hình trong toàn tỉnh với gần 200 ha rừng cây công nghiệp. Với phong trào này, tháng 11-1969, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đô Lương vì có thành tích trồng cây, gây rừng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều người con Hữu Lũng đã anh dũng hy sinh. Trong đó có hai đồng chí được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 8 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhiều tập thể, đơn vị trên địa bàn huyện được tặng thưởng huân chương quân công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đặc biệt, năm 2002, huyện Hữu Lũng đã được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc. Ngày 18-6-2003, cán bộ và nhân dân Hữu Lũng được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân cho những thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Phát huy truyền thống cách mạng, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhân dân và lực lượng vũ trang địa phương đã có những nhận thức mới về phát triển kinh tế gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Hữu Lũng đã thực hiện tốt các chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bảo đảm phát triển toàn diện nông - lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ - thương mại; đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo, từng bước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Trong thời kỳ xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới, Hữu Lũng đã được Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như: đơn vị kho KV1 được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 03 huân chương lao động; Trường Công nhân kỹ thuật lâm nghiệp I Trung ương được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Nhì, Nhất và 01 Huân chương Độc lập hạng Ba; tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Lâm trường Hữu Lũng, Công ty Xi măng 78, Hội phụ nữ huyện, Trường trung học cơ sở thị trấn Hữu Lũng và Chi cục thuế huyện.

Quá trình thành lập và những mốc son của Đảng bộ huyện Hữu Lũng

Quá trình thành lập và những mốc son của Đảng bộ huyện Hữu Lũng

Các tin mới
tên trang web cổng thong tin điện tử Xã hội chủ nghĩa việt nam
bộ văn hóa thể thong tin 
http://www.cinet.gov.vn/

Sunday, December 15, 2013

Trung tâm Văn hóa, Thể thao huyện Hữu Lũng
Số 80 đường Chi Lăng, huyện Hữu Lũng tỉnh Lạng Sơn